Theo đuổi đam mê nợ nần đến
Ngày đăng: 18/8/2018
Bài viết được trích từ cuốn sách Khát Vọng Việt – vì sao đất nước ta còn nghèo của ông Đỗ Cao Bảo – Phó TGĐ FPT.
Hiện nay mỗi năm Việt Nam có thêm hơn 400 ngàn sinh viên tốt nghiệp, họ bắt đầu con đường sự nghiệp, nhiều người trong số họ trăn trở trước hai lựa chọn “theo đuổi niềm đam mê trước” hay “kiếm tiền trước, theo đuổi đam mê sau”, nhiều người có nhu cầu hết sức đơn giản chỉ cần có một công việc ổn định, có thu nhập đủ nuôi sống bản thân.
Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, nhiều bạn hoang mang trước lời khuyên “theo đuổi đam mê, nợ nần đến” với nhiều dẫn chứng thực tế về những người đã thất bại, mất thời gian, mất tiền bạc, thậm chí mang nợ nần vì đã theo đuổi niềm đam mê.
Có một nghiên cứu về niềm đam mê rất đáng suy ngẫm:
Năm 1960, Srully Blotnick, nhà nghiên cứu Mỹ đã nghiên cứu trên 1.500 sinh viên Mỹ tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế.
Ông cho 1.500 sinh viên tự do lựa chọn theo đuổi con đường “kiếm tiền trước, theo đuổi đam mê sau” hay “theo đuổi đam mê trước, kiếm tiền sau”, sau 20 năm ra trường, năm 1980 cho kết quả như sau:
a) Lựa chọn (1960): Nhóm “kiếm tiền” có 1.245 bạn chiếm 83%, nhóm “đam mê” có 255 bạn chiếm 17% (ít hơn 4,88 lần).
b) Kết quả sau 20 năm (1980): Nhóm “kiếm tiền” có một bạn trở thành triệu phú (chiếm 0,99%, tỷ lệ thành triệu phú là 0,08%), nhóm “đam mê” có 99 bạn trở thành triệu phú (chiếm 99,1%, tỷ lệ thành triệu phú là 38,82%).
Số liệu trên cho thấy trong 255 bạn theo đuổi niềm đam mê có 99 bạn trở thành triệu phú, còn 156 bạn còn lại thì có bạn cũng thành công, giàu có, có bạn bình thường và chắc chắn có bạn nghèo khó và nợ nần, nhưng với số lượng ít hơn 4,88 lần mà số triệu phú lại lớn hơn 100 lần cho thấy cơ hội thành công khi theo đuổi “đam mê” sẽ cao gấp 488 lần so với khi theo đuổi “kiếm tiền”.
Theo nguyên lý thành công thì sau khi “khát vọng và ước mơ lớn”, bạn phải tìm ra đúng năng lực, sở trường thật sự của mình và bạn phải cháy hết mình, phải đam mê với công việc ấy.
Trong thực tế cuộc sống, có người biết rất rõ sở trường của mình, có người lại không biết mình có sở trường gì và đâu là lĩnh vực mình có sở trường nhất?
Câu trả lời là công việc nào, lĩnh vực nào bạn thấy thích thú, say mê, làm việc quên cả thời gian, bạn thấy hạnh phúc, bạn thấy dễ còn người khác thấy khó thì đấy chính là sở trường của bạn.
Đối với ai gặp khó khăn khi đi tìm sở trường của mình thì công thức đơn giản là cứ theo đuổi niềm đam mê, trong quá trình theo đuổi niềm đam mê, bạn sẽ tìm ra sở trường.
Một minh chứng về “theo đuổi đam mê, thành công đến” là nhà chế tạo Trần Quốc Hải với đam mê chế tạo máy móc. Anh đã chế tạo ra máy bay trực thăng, xe quân sự bọc thép, máy móc nông nghiệp, đem đến cho anh không chỉ tiền bạc mà cả danh tiếng và mối quan hệ, không chỉ được trọng thưởng Huân chương Đại tướng quân của chính phủ Hoàng gia Campuchia, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới của Việt Nam, anh còn trở thành khách thân thuộc của Thủ tướng Campuchia, Thủ hiến bang của Australia.
Minh chứng về “theo đuổi niềm đam mê, thành công đến” tiếp theo là nhà chế tạo Nguyễn Quốc Hòa cũng với đam mê chế tạo, anh đã chế tạo ra tàu ngầm Trường Sa, Hoàng Sa. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân, tàu ngầm của Anh đã chạy thử thành công trên biển và anh đang đặt mục tiêu tàu ngầm có thể lặn sâu ở độ sâu 250 mét dưới đáy biển. Tàu ngầm không chỉ sử dụng trong quân sự mà còn có thể dùng trong du lịch, trong thám hiểm đáy biển, trong công viên nước… rất nhiều ứng dụng thực tế cần đến con tàu ngầm của anh Nguyễn Quốc Hòa.
Gần đây anh Nguyễn Quốc Hòa còn chế tạo ra dây chuyền sản xuất tự động, đúc tự động thiết bị vệ sinh bằng sứ. Có lẽ đây là hệ thống sản xuất dây chuyền tự động đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và chế tạo.
Những ai từng nghe câu ngạn ngữ “Theo đuổi đam mê, nợ nần đến” hãy tin rằng theo đuổi đam mê có thể có mất tiền, có thể nợ nần, nhưng cơ hội thành công, cơ hội trở thành triệu phú cao hơn gấp 488 lần so với khi theo đuổi kiếm tiền, chỉ cần bạn luôn nhớ rằng đừng đam mê mù quáng.
Trích: Khát Vọng Việt – Vì sao đất nước ta còn nghèo.