Bạn bao giờ có cảm giác, chỉ cần đi đâu đó 1 ngày là lòng bất an, vì đủ thứ suy nghĩ ập đến
– Lỡ đâu con khóc thì không biết chồng có dỗ được không.
– Lỡ đâu con đói, chồng có biết pha sữa không.
– Đồ đạc dơ không biết chồng giặc chưa.
– Hai bố con không biết sẽ ăn gì ở nhà…..
Trước khi bước đến cánh cửa hôn nhân, bạn có nghĩ mình sẽ gieo vào tiềm thức của chồng và con bạn rằng bạn là một siêu nhân, rằng bạn sẽ đáp ứng mọi yêu cầu ăn, ngủ, nghỉ, chơi của họ, vì thế hãy để cho bạn làm mọi thứ. Và trong vô thức bạn đã là MẸ CỦA CHỒNG MÌNH.
Thế đấy, và bạn dạy cho con mình cách sống tự lập, trong khi mọi hành động của con bạn như muốn bảo nó dừng lại để bạn làm thay cho.
Hãy nghe đây, những ông bố bà mẹ, chúng ta sẽ không có cơ hội để nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ có tính tự lập, cho đến khi bản thân của bạn phải là một người tự lập.
Hãy đọc kỹ bản thân mình trước khi dạy con, bất kể là bạn dạy gì? Bạn phải hiểu về tự lập nghĩa là gì thì bạn mới dạy con chứ đúng không. Hãy đọc những dòng tiếp theo để biết tự lập là gì nhé, và lắng lòng mình lại để xem mình đã thực hiện được chưa nhé ^^
Tự lập có nghĩa là:
– Tư duy độc lập;
– Tự đưa ra quyết định;
– Tự đáp ứng nhu cầu của bản thân;
– Tự lên kế hoạch và hành động;
– Tự đánh giá mọi hành động của bản thân.
Người tự lập là người biết bản thân muốn gì và biết cách làm thế nào để đạt được những gì mong muốn. Người độc lập là người không phụ thuộc. Điều đó không có nghĩa là anh ta cô đơn. Không phụ thuộc có nghĩa là anh ta xây dựng các mối quan hệ không dựa trên nguyên tắc phụ thuộc lẫn nhau, mà dựa trên nguyên tắc của sự cảm thông. Thay vì nghĩ: “Tôi không thể sống thiếu bạn và bạn cũng vậy, không thể sống mà thiếu tôi”, người tự lập sẽ nghĩ: “Tôi có thể sống ngay cả khi không có bạn, nhưng thật tuyệt vời nếu có bạn ở bên cạnh tôi”.
Xét về khía cạnh tâm lý, khi một người rèn được tính tự lập thì anh ta đã được coi là một người trưởng thành về mặt nhân cách (dù có thể anh ta chưa hoàn toàn trưởng thành về mặt sinh lý).
Đừng biến đứa trẻ của mình phải phụ thuộc một cách vô thức, hậu quả là đứa trẻ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp với bạn bè.
Do đó, hãy rèn tính tự lập cho chính bản thân mình, trước khi bắt đầu hành trình dạy con trở nên tự lập. Hãy tự hỏi lại bản thân: “Mình có phải là người tự lập không?”